Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

Phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ 3 tuổi


Trẻ em từ khi sinh ra dần dần lĩnh hội được kinh nghiệm xã hội thông qua tiếp xúc cảm với người lớn,qua đồ chơi và đồ vật xung quanh nó . Khi bé 3 tuổi là giai đoạn đang phát triển kỹ năng giao tiếp theo hình thức mô phỏng là chủ yếu. Bạn có biết những câu nói của cha mẹ dù vô tình hay chủ ý sẽ dạy trẻ cách bày tỏ cảm xúc, sự cảm ơn, biểu đạt mong muốn… dần dà hình thành nên lối giao tiếp của trẻ?
>>> Phát triển và bồi dưỡng năng lực giao tiếp cho trẻ từ 1-3 tuổi
>>> Các giai đoạn phát triển giao tiếp ở trẻ từ 1-4 tuổi
>>>  Các cột mốc quan trọng cho sự phát triển giao tiếp ở trẻ từ 1 đến 3 tuổi
Ở lứa tuổi lên 3, trẻ đang dần dà học cách thể hiện những gì mình muốn làm hoặc nhờ người khác làm. Đây cũng là thời điểm kỹ năng giao tiếp của bé phát triển.

Bé sẽ quan sát và mô phỏng lại cách giao tiếp của ba mẹ để thể hiện mong muốn của mình, chẳng hạn như mỗi khi bạn nói: “Xin lỗi” trước khi bạn cắt ngang một cuộc trò chuyện, bé 3 tuổi sẽ ý thức được rằng đây là cách gián đoạn nhã nhặn mà không xen vào vô phép.

Bé 3 tuổi: Kỹ năng giao tiếp

Hãy cẩn thận! Các bé 3 tuổi đang quan sát và bắt chước bạn đấy.

Chú ý khi giao tiếp với trẻ

Có thể bạn đang tạo ra rất nhiều tình huống mô phỏng như vậy mà không nhận ra điều này:
Những lúc bạn nói: “Mẹ có thể chơi cùng con không?” là bạn đang dạy bé làm thế nào khi muốn tham gia một hoạt động.
Khi gợi ý: “Bin à, con hãy hỏi bạn Ti xem con có thể mượn chơi xe đạp của bạn được không nào” là cách bạn dạy bé làm thế nào để hỏi mượn đồ chơi.


Nhắc bé: “Hãy nói cảm ơn khi con nhận quà nhé” là lúc bạn dạy trẻ làm thế nào bày tỏ lòng biết ơn.
Đề nghị: “Bây giờ mẹ giữ thùng và con đổ nước vào nhé?” là mô phỏng cách phân chia công việc.
Nói với bé: “Điều đó làm mẹ thấy buồn (hoặc giận)” là chỉ cho bé cách thể hiện cảm xúc tốt hơn nhiều so với việc bạn nổi trận lôi đình, bởi trẻ đang quan sát và mô phỏng “bắt chước” rất nhanh những điều học được từ cha mẹ. Bạn nên đảm bảo mình đang giao tiếp với trẻ theo cách bạn mong muốn được đáp lại từ con.

Cuộc sống của mẹ: Làm sao để thu hút sự chú ý của bé?


Các bé 3 tuổi thường ít tập trung, dễ phân tâm bởi những lôi cuốn bên ngoài. Nếu muốn bé chú ý, cha mẹ nên nói chuyện với bé nhẹ nhàng thôi.
Bạn nghĩ rằng nói to hơn sẽ là cách tốt, nhưng thực ra la hét có thể khiến trẻ hoảng sợ. Nếu phải nghe mắng quá thường xuyên, thông thường trẻ sẽ lảng trốn hoặc bỏ ngoài tai.
Mặc khác, nói chuyện dịu dàng hoặc thì thầm lại rất có sức hấp dẫn với trẻ. Bé sẽ không có cách nào khác là chạy đến gần hơn để nghe điều mẹ đang nhắn nhủ.
Kích thích trí tò mò của trẻ: Trẻ mẫu giáo cũng thấy hấp dẫn đối với những từ như bí mật, đặc biệt và kỳ diệu, điều này làm trẻ nghĩ tất cả những lời đề nghị sẽ có điều gì đó tuyệt vời và thú vị sắp xảy ra.

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Dạy trẻ giao tiếp với người lạ

Kỹ năng sống là những kỹ năng tâm lý xã hội và giao tiếp mà bất kỳ cá nhân nào cũng cần có để tương tác với người khác một cách tích cực và hiệu quả. Vì vậy, việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ càng sớm, bạn càng giúp bé tạo được nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của trẻ sau này. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng biết cách để giúp con cái rèn luyện kỹ năng sống một cách đúng đắn và hiệu quả nhất.
Hôm nay,mình sẽ chia sẻ với các bạn một trong những kỹ năng cơ bản trong việc giao tiếp của trẻ : kỹ năng giao tiếp với người lạ

DẠY TRẺ KỸ NĂNG GIAO TIẾP VỚI NGƯỜI LẠ

Mỗi một trẻ sẽ có một khả năng tư duy và phát triển khác nhau. Vì vậy, việc dạy kỹ năng sống cho trẻ cần phụ thuộc vào khả năng nhận thức và hành vi của trẻ.
Chúng ta cùng làm giúp trẻ xây dựng kỹ năng giao tiếp với người lạ nhé!

Giúp trẻ nhận biết người lạ

Giúp trẻ quan sát người lạ để trẻ tự đúc rút được kinh nghiệm cho bản thân mình. Từ đó, trẻ có thể chủ động hơn trong việc nhận biết người lạ.

Dạy trẻ giữ khoảng cách với người lạ một cách tế nhị. Đặc biệt, bạn hãy luôn căn dặn trẻ không được dễ dàng tin người, nghe theo hay đi theo người lạ.

Trẻ thường có khuynh hướng đánh giá một người lạ qua vẻ bề ngoài của họ: cách ăn mặc chải chuốt, hoặc một gương mặt xinh đẹp rất dễ gây thiện cảm với trẻ. Kẻ xấu có thể đánh vào điểm yếu này và cố gắng thay đổi diện mạo để lấy cảm tình với trẻ. Vì vậy, nên dạy bé cách nhìn người qua hành động của họ thay vì phán xét bề ngoài và cách ăn mặc.

Dạy trẻ giữ khoảng cách nhất định với người lạ

Bạn hãy dạy trẻ cách giữ khoảng cách nhất định với người lạ một cách tế nhị. Đặc biệt, bạn hãy luôn căn dặn trẻ không được dễ dàng tin, nghe hay đi theo người lạ.

Dạy trẻ quy tắc đối phó với người lạ

Ba mẹ hãy chỉ cho trẻ biết, nếu một người lạ cho kẹo bánh hoặc đồ chơi để dẫn trẻ đi đâu đó thì nên từ chối và tránh xa họ ngay lập tức. Và sau đó, trẻ phải kể lại ngay chuyện gì đã xảy ra cho bố mẹ hoặc bất cứ người nào bé tin tưởng.

Cung cấp cho trẻ một số tình huống ứng xử nếu chẳng may trẻ phải tiếp xúc với người lạ có ý đồ xấu hoặc bị lạc. Ví dụ, nếu trẻ bị lạc trong siêu thị, hãy dạy trẻ đi đến quầy thanh toán, nói cho nhân viên biết rằng mình đang bị lạc và ở nguyên chỗ đó cho đến khi được mẹ đón.

Chỉ ra những người trẻ có thể tin cậy được. Bên cạnh bố mẹ, còn có ông bà hoặc những người trẻ có thể nhờ cậy như cô giáo hoặc những người mặc trang phục cảnh sát.





Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Phát triển và bồi dưỡng năng lực giao tiếp cho trẻ 1-3 tuổi


 Nhu cầu giao tiếp với xã hội có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó là yếu tố then chốt để phát triển tâm hồn trẻ nhỏ và là một bộ phận tạo nên tư duy của loài người. Từ lúc mới sinh ra bé đã bắt đầu có khả năng giao tiếp với xã hội: biết lấy tiếng khóc để bày tỏ cảm nhận và mong muốn của mình.
Theo thời gian, kinh nghiệm được tích luỹ ngày càng nhiều, kỹ năng giao tiếp được nâng cao, tư duy của bé cũng không ngừng phát triển.

Nhưng tất cả những gì bé đạt được không phải tự nhiên mà có, đó là nhờ sự góp sức của chính những người cha, người mẹ, những người đóng một vai trò to lớn trong từng bước đi, từng bước phát triển của bé.

Vì thế cha mẹ hãy làm tất cả những gì có thể, giúp bé thích ứng với xã hội và phát triển các kĩ năng giao tiếp.Dưới đây chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn 3 bước cơ bản để phát triển giao tiếp của trẻ

1. Dạy bé nhận biết bản thân
Thời kì từ 1-3 tuổi là giai đoạn trẻ phát triển ý thức về bản thân, về cơ thể của mình, phân biệt bản thân mình với người khác, biến hành vi giao tiếp từ vô thức tới có ý thức. Biết được đặc điểm đó, các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi này nên giúp đỡ bé học cách tự nhận thức về bản thân của mình.

Khi bé được một tuổi, bạn có thể bế bé ra soi gương, cho bé thấy trong gương có những ai? (đừng sợ rằng soi gương sẽ khiến bé chậm nói, điều đó không có căn cứ khoa học). Hãy giới thiệu với bé đâu là mẹ, đâu là bé, chỉ cho bé thấy các bộ phận trên cơ thể sau đó hỏi lại xem bé có nhớ không. Ví dụ: Mẹ em đâu? Bé Cún đâu? Cái Mũi đâu? Cái Mũi này của ai? Bạn hãy lần lượt đặt các câu hỏi cho tất cả các bộ phận trên cơ thể bé (chú ý bạn chỉ nên dạy trẻ từ 1-2 bộ phận mỗi ngày) bạn có thể hỏi tên bộ phận để bé chỉ qua gương nếu bé chưa biết nói.


Sau khi bé được 2 tuổi, hãy dạy bé tự giới thiệu về mình để làm tăng ý thức về bản thân của bé. Hãy cho bé chơi cùng với búp bê hoặc con rối, rồi lồng tiếng cho búp bê để búp bê giới thiệu về bản thân. Sau đó cho bé tự giới thiệu. Chẳng hạn như:
-Búp bê: Chào bạn! Tôi là búp bê BABY.
-Bé : Tôi tên là Mai

Cùng với thời gian bạn sẽ giúp bé biết tự giới thiệu một cách có hệ thống các nội dung : chào, hỏi thăm sức khỏe, tên, tuổi, sở thích…

2. Dạy trẻ quan tâm và yêu thương mọi người

Muốn dạy bé quan tâm tới người khác, trước hết nên bắt đầu từ những người thân của bé như: cha, mẹ, ông, bà, anh chị em của bé. Hãy cho bé phát âm tên, công việc của mỗi người; treo ảnh các thành viên trong gia đình ở những nơi mà bé thường chơi.
và luôn nói với bé rằng tất cả mọi người đều yêu bé. Bé sẽ cảm nhận được tình cảm yêu thương của mọi người và cũng đáp lại họ bằng tình cảm như thế.

Nhân dịp sinh nhật các thành viên trong gia đình, hãy dạy bé cách quan tâm tới người khác. Chẳng hạn trong ngày sinh nhật bố, mẹ hãy cùng bé bàn bạc xem nên chúc mừng bố như thế nào. Bạn hãy đưa bé đi mua quà sinh nhật, gợi ý để bé tự mua quà tặng bố. Hoặc hai mẹ con tự tay làm một món quà đơn giản nhưng thật ý nghĩa để tặng bố. Có thể bạn sẽ vẽ một chiếc áo sơ mi sau đó hướng dẫn bé dùng ngón tay để chấm màu trang trí cho chiếc áo.

Hãy nói với bé rằng thế giới là do nhiều người hợp thành. Ngoài cha, mẹ và bé còn có rất nhiều người khác nữa. Bé cần phải học cách thể hiện cảm nhận của mình, hiểu được tâm trạng và mong muốn của người khác, quan tâm đến họ.
Bạn có thể chọn một vài câu truyện kể cho trẻ nghe để trẻ cảm nhận được tính cách của nhân vật, hiểu được cách ứng xử, giao tiếp của họ.
Bạn có thể cho bé nghe truyện trên Bibi.vn như: Ai đáng khen hơn, Bác gấu nâu và hai chú thỏ, Ba cô con gái… Truyện kể cho bé

3. Kết bạn, kết giao với nhiều người trong cuộc sống

Ở tuổi này nên thường xuyên dẫn bé đi dạo, xem các bạn khác chơi đùa và cho bé cùng tham gia chơi. Đến 3 tuổi có thể cho bé chủ động tự giới thiệu về mình và làm quen với một số bạn khác. Lúc đầu bé có thể không biết phải tham gia chơi như thế nào bạn hãy hướng dẫn và cùng chơi với các bé.

Ngoài việc cho bé đi dạo bạn hãy cho bé đến nhà bạn bè chơi, đây là một cơ hội kết giao rất tốt. Bé có thể hiểu được môi trường bên ngoài gia đình mình, hiểu được cách sống của người khác. Hãy bồi dưỡng cho bé thái độ giao tiếp tích cực, nâng cao khả năng thích ứng với môi trường.


Đôi khi bạn có thể dắt bé đi chợ, đi mua sắm. Để bé tự tay đưa tiền cho người bán hàng, còn có thể trực tiếp nói với họ rằng mình muốn mua gì, thích cái nào nhờ họ lấy hộ , hỏi giá tiền …


Trên đây là một số biện pháp nhằm phát triển và bồi dưỡng năng lực giao tiếp cho trẻ. BIBI.vn hi vọng rằng các bé yêu của chúng ta khi khôn lớn sẽ có một tâm hồn thuần khiết, có những mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống của chính mình.